Học giỏi nghề, tương lai rộng mở

Trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay, đại học không phải là con đường duy nhất đưa bạn trẻ đến thành công. Chọn nghề như thế nào để có thu nhập tốt, sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống luôn được đông đảo phụ huynh và học sinh quan tâm.

Tương lai nằm trong tay bạn

Với nhiều học sinh, thi trượt đại học đồng nghĩa với cánh cửa tương lai khép lại hoàn toàn. Không ít bạn trong số đó mang tâm trạng chán nản, tuyệt vọng, thậm chí có hành động tiêu cực. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ đã chủ động chọn cho mình lối vào đời không bằng đại học.

Sinh viên Công Nghệ May thực hành

Có lực học loại khá ở trường THPT Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) nhưng Đình Lam không chọn đại học trong kỳ thi năm 2017. Tốt nghiệp THPT, Lam đăng ký học nghề điện – điện tử. Khoảng thời gian học tập của Lam ở trường là những giờ học lý thuyết xen lẫn thực hành. Đến năm thứ hai học nghề, Lam đi làm thêm tại một công ty gần trường với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/tháng. “Không chỉ có mình mà đa số các bạn cùng lớp đều đi làm thêm các công việc liên quan đến nghề tại các xưởng sửa chữa, công ty điện máy. Đó thực sự là “trường đời” khiến chúng mình trưởng thành hơn rất nhiều. Từ đó, mình có thêm kỹ năng sống, xử lý tình huống trong công việc và nâng cao tay nghề”, Đình Lam chia sẻ.

Thực tế, trên thị trường lao động hiện nay, trong khi rất nhiều cử nhân ra trường loay hoay tìm kiếm việc làm thì nhân lực có tay nghề lại đang được rất nhiều doanh nghiệp săn đón, mời gọi.

Đã có kinh nghiệm hơn 8 năm tuyển dụng lao động ngành điện tử, chị Đỗ Việt Hồng, phòng Hành chính nhân sự Công ty Hamaden Nhật Bản (trụ sở tại khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên), cho biết: “Trong quá trình phỏng vấn, lựa chọn hồ sơ ứng viên, công ty tôi thường lưu ý đến hồ sơ của lao động đã từng học nghề. Thứ nhất, họ có kinh nghiệm thực tế trong công việc, không đòi hỏi quá cao về mức lương. Thứ hai, họ là những lao động chịu được áp lực công việc, có kỹ năng xử lý tình huống tốt và thích nghi cao”.

Nhóm ngành nào đang “hot”?

 Theo con số thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp và 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, các cơ sở này đào tạo khoảng 2,2 triệu người, gồm: Hệ cao đẳng khoảng 230.000 người, học sinh hệ trung cấp khoảng 315.000 người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khoảng 1,6 triệu người; hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn…

Trong khi đó, thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 6, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 95.196/154.000 lao động, đạt 61,8% kế hoạch năm. Ttrong đó, 25.000 lao động được tạo việc làm từ xét duyệt hộ vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 990 tỷ đồng; 9.157 lao động được tuyển dụng tại 55 phiên giao dịch việc làm.

Trong công tác giáo dục nghề nghiệp, 6 tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh và dạy nghề cho 50.270 lượt người, đạt 24,5% kế hoạch, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Chọn học nghề nhưng học ngành nào để không bị thất nghiệp luôn là mối quan tâm lớn đối với học sinh và các bậc phụ huynh. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân nhận định, trong thời gian tới, các ngành, nghề sẽ có nhu cầu nhân lực cao như: Công nghệ thông tin; Marketing; Quan hệ công chúng; Tiếng Anh, Nhật, Đức; Kỹ thuật xây dựng; Công nghệ thực phẩm; Công nghệ sinh học; Du lịch; Quản trị nhà hàng, khách sạn; Kỹ thuật chế biến món ăn; Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; Điện tử công nghiệp; Công nghệ ô tô; Cơ – điện tử; Thiết kế đồ họa; Điều dưỡng, hộ sinh; Chăm sóc sắc đẹp; Lĩnh vực hàng không…