Học nghề – con đường ngắn nhất đến thành công

Trong khi rất nhiều bạn chọn đại học, cao đẳng hay du học thì vẫn có không ít bạn trẻ âm thầm tìm hướng đi mới cho mình, đó là học nghề, khởi nghiệp với nghề nông… Rất nhiều người trong số họ đã thành công bằng đôi tay hăng say lao động và không ngừng tìm tòi những con đường mới.
Hành trình lập thân, lập nghiệp của thanh niên cần những gì, học ngành nghề nào… luôn là câu hỏi khó đối với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, các bạn đừng chùn bước mà hãy mạnh dạn “phá rào” với hướng đi mới – học nghề.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019, trong đó, trên 650.000 thí sinh xét tuyển đại học. Trên 279.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%). Như vậy, số học sinh này sẽ lựa chọn hướng đi nào cho bản thân?
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp ở xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội), điều kiện kinh tế của gia đình Nguyễn Văn Dương không mấy khá giả. Chính vì vậy, Dương đã sớm có dự định cho bản thân. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, Dương chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong khi các bạn bè háo hức từng ngày chờ điểm thi thì Dương đã có hơn một tháng học nghề sửa chữa xe máy ở quận Hà Đông. Dương chia sẻ: “Đây là công việc em rất yêu thích. Hơn nữa, qua thực tế cuộc sống và tham khảo ý kiến từ gia đình, em cũng nhận ra nghề này có nhiều cơ hội phát triển ở quê hương. Các cửa hàng, cửa hiệu sửa xe chất lượng ở quê em rất ít”.
Đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ, Dương cần mẫn với từng chi tiết trên chiếc xe khách mang đến bảo dưỡng. Học nghề ở đây, Dương không mất chi phí nhiều vì đổi công để lấy kiến thức. Chiều tối, khi học xong, Dương lại bắt xe buýt về nhà.
“Em vừa đỗ tốt nghiệp THPT. Khi nào có chứng nhận tốt nghiệp, em sẽ nộp hồ sơ đi học trường nghề để có kiến thức bài bản hơn. Khi học xong, em dự tính về mở cửa hàng sửa xe máy ngay tại nhà”, Dương nói.
Cùng chung chí hướng học nghề như Dương, Nguyễn Thanh Loan (quê ở xã Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) cũng chỉ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp. Nhiều bạn khi biết dự định của Loan tỏ ý không tán thành bởi “không được làm sinh viên sẽ phí tuổi thanh xuân”. Tuy nhiên, Loan nghĩ khác: “Em đã nhìn thấy rất nhiều anh, chị tốt nghiệp đại học nhưng vô cùng chật vật khi tìm kiếm việc làm. Nhiều người trong số họ phải đi làm trái nghề, bán hàng online, thậm chí cất bằng đại học đi xin làm công nhân. Như vậy vừa lãng phí thời gian, lại tốn kém tiền bạc. Em quyết định đi học nghề ngay từ khi còn trẻ để rút ngắn thời gian tự lập”.
Loan có dự định đi học nghề may để về “đầu quân” cho các công ty trong khu công nghiệp gần nhà…